Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Trong khi nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau khủng hoảng, thì nền kinh tế Trung Quốc lại đạt tốc độ tăng trưởng cao, thành tích này có dự báo điều bất thường?
Thời gian chuẩn bị đón Xuân Canh Dần, Trung Quốc công bố nhiều chỉ số thống kê ngoạn mục về tốc độ tăng trưởng và, lần thứ hai trong vòng một tháng, lại quyết định nâng mức dự trữ pháp định của các ngân hàng nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm phát.
Ảo ảnh
Trong khi thế giới vẫn e sợ suy trầm toàn cầu mà nền kinh tế này lại có triệu chứng nóng máy và có thể đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất trên 10% vào năm 2010 thì tất nhiên là dư luận coi đó là điều đáng chú ý. Nhưng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa lại gọi đây là những "ảo ảnh chết người". Ông giải thích như sau, qua phần trao đổi cùng Việt Long trong tạp chí chuyên đề Diễn đàn Kinh tế.
Việt Long: Hôm Thứ Ba mùng hai tháng Hai, Trung Quốc thông báo kết cấu của tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,7% trong năm 2009. Mười ngày sau thì họ quyết định tăng mức dự trữ pháp định của các ngân hàng nhằm kềm hãm lượng tín dụng và chặn trước nguy cơ lạm phát khi đà tăng trưởng sản xuất trong năm 2010 này có thể sẽ vượt 10%. Giữa bối cảnh suy trầm toàn cầu mà kinh tế Trung Quốc lại tăng trưởng quá 10% và lo ngại lạm phát thì rõ là xứ này đã vượt xa các nước khác. Điều ấy có đúng hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Sau khi ăn Tết xong và trở lại thực tế kinh tế thì tôi thiển nghĩ rằng các thống kê vừa qua cho thấy những ảo ảnh chết người của kinh tế Trung Quốc và người Việt Nam rất nên tìm hiểu về các ảo ảnh này. Trước khi trình bày chuyện ấy, tôi xin được nói thêm vài chi tiết khác cũng rất đáng chú ý.
Hôm 28 tháng Giêng, Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh loan báo nỗ lực cải cách phương thức thu thập và khai thác thống kê vì trong năm 2009 đã có 13.500 vụ đúc kết thống kê sai lạc. Đây là lần thứ tư mà Trung Quốc muốn cải tổ thống kê mà nhiều phần vẫn không có kết quả vì một lý do chính trị. Đó là vì mọi đảng viên cán bộ chỉ chịu trách nhiệm với thượng cấp ở trên hơn là với thuộc cấp ở dưới hay với dân chúng, cho nên họ đều có xu hướng tô hồng thống kê trong quản hạt trước khi đưa lên trên và ở trên cùng thì tổng kết thành con số ảo. Một thí dụ mà diễn đàn này đã trình bày từ năm ngoái là Tổng sản lượng kinh tế Trung Quốc vào năm 2007 lên tới ngạch số tương đương với hơn 3.600 tỷ Mỹ kim, trong khi nếu mà cộng lại kết số tổng sản lượng của tất cả các tỉnh và thành phố thì ta có con số khác, là 4.000 tỷ đô la, một mức sai biệt khổng lồ là 340 tỷ đô la, gần 10%. Khi độ sai lệch lại cao như thế thì ta nên trừ bì, là gia giảm, mức độ khả tín của thống kê Trung Quốc.
Thứ hai, mùng hai tháng Hai vừa qua, cơ quan quốc tế thẩm định giá trị tín dụng là hãng Fitch đã hạ thấp mức điểm của hai ngân hàng Trung Quốc và giải thích là trình độ quá bất trắc của các ngân hàng khi ào ạt bơm tín dụng và cho vay theo diện chính sách nên ngân hàng thiếu vốn và rủi ro tín dụng gia tăng. Thực tế thì lượng tín dụng ngân hàng tại Trung Quốc đã tăng hơn 30% trong năm 2009 và xứ này là nơi có bong bóng đầu cơ lớn nhất trong các nước Á châu.
Trái bóng địa ốc có thể sẽ bể, là điều diễn đàn này cũng đã nói tới trong chương trình ngày 13 tháng Giêng.
Thứ ba, hôm mùng một tháng Hai, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phát biểu rằng Trung Quốc đang gặp nhiều bất trắc trên các thị trường quốc tế mà ở nhà thì lại bị các vấn đề thất quân bình và phát triển không bền vững. Khi ấy, ta mới để ý đến sự kiện các giới chức lãnh đạo Bắc Kinh đều lên tiếng báo động về nhiều vấn đề trong nội bộ để chuẩn bị thảo luận tại Hội nghị Hiệp thương Chính trị rồi Đại hội Đại biểu Quốc hội vào các ngày mùng ba và mùng năm của tháng tới. Nói chung thì lãnh đạo xứ này ưu lo về tình hình kinh tế, xã hội và chính trị nhiều hơn là dư luận bên ngoài thường nghĩ vì họ thấy ra những ảo ảnh sinh tử của chế độ.
Xuất khẩu “âm”
Việt Long: Nếu vậy thì xin ông trình bày trước tiên điều ông gọi là ảo ảnh trong đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là 8,7% vào năm 2009. Con số này thật ra rất lớn nếu ta so sánh với Hoa Kỳ chẳng hạn, là siêu cường, chỉ đạt tốc độ có 0,8% mà thôi.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tốc độ 8,7% trong một năm suy trầm toàn cầu và nối tiếp tốc độ 9% của năm 2008 thì quả nhiên là con số đầy ấn tượng! Nhưng khi đi vào chi tiết ta thấy ngay sự thật u ám nằm bên dưới. Đà tăng trưởng bình quân 8,7% này là kết số của ba thành tố gồm có đầu tư là 8%, tiêu thụ là 4,6% và xuất khẩu là -3,9%. Nôm na là 8,7% = 8% + 4,6% - 3,9%.
Xưa nay, xuất khẩu vẫn là đầu máy tăng trưởng của Trung Quốc mà bây giờ lại đóng góp một số âm cho đà tăng trưởng, là -3,9%, mà tiêu thụ chỉ có 4,6% nên không bù đắp nổi. Vì vậy, nhà nước nhảy vào cấp cứu như bơm nước biển đề hồi sinh một cơ thể rũ liệt. Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng rồng cọp của Trung Quốc thực tế lệ thuộc tới 92% (là 8% của tổng số 8,7%) vào đầu tư của khu vực công. Không có đầu tư của nhà nước là chẳng có tăng trưởng.
Việt Long: Chúng ta đều biết khi kinh tế bị suy trầm thì xứ nào cũng phải tìm cách kích thích. Hoặc là qua hạ lãi suất hay in tiền bơm vào kinh tế, hoặc qua tăng chi hay giảm thuế, chủ yếu là để bù đắp cho sự thiếu hụt tiêu thụ của tư nhân. Nếu vậy thì lãnh đạo Bắc Kinh cũng áp dụng các biện pháp bình thường ấy, thế thì vì sao ông lại gọi là ảo ảnh?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chuyện ấy không bình thường vì nhà nước mà không đẩy là cỗ xe sẽ dừng mà kinh tế Trung Quốc lại như cỗ xe đạp, nếu không lăn bánh là sẽ đổ vì thất nghiệp tăng và động loạn xã hội sẽ bùng nổ.
Đã thế Trung Quốc lại có hệ suất đầu tư rất tệ, tức là phải đầu tư rất nhiều thì mới sản lượng mới tăng được một đơn vị. Người ta hay dùng "chỉ số đầu tư phụ trội" gọi tắt theo Anh ngữ là ICOR để đo lường hệ suất ấy. Thí dụ như nếu xứ nào phải đầu tư ba đơn vị mới gia tăng sản lượng được một đơn vị thì có chỉ số Incremental Capital Output Ratio bằng số ba. Nếu đầu tư bằng 5% của tổng sản lượng với một chỉ số ICOR là 3 chẳng hạn thì sản lượng sẽ tăng được năm chia cho ba, bằng 1,66%. Suy ngược lại, khi sản lượng Trung Quốc tăng 8,7% là nhờ đầu tư tới 92% tổng sản lượng GDP thì chỉ số ICOR của xứ này phải là 10,6, là một hệ suất đầu tư thật tốn kém vì quá lớn!
Chẳng những vậy, nếu nhìn kỹ hơn thì... lượng biến thành phầm, và phẩm chất rất tồi. Trung Quốc thường chủ động bơm tiền qua hai ngả công chi và tín dụng, rồi gọi đó là đầu tư. Nhưng chủ yếu là nhà nước cấp phát tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước, gọi là thuộc diện chính sách, và cho các dự án xây dựng thuộc phạm vi phân bố và chia chác của địa phương. Tất cả để duy trì khả năng sản xuất và chính yếu là tuyển dụng để tránh nạn thất nghiệp và động loạn xã hội. Nhưng hệ thống ống bơm ấy lại... theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó bơm vào nơi úng thủy và thổi lên bong bóng đầu tư.
Hậu quả xã hội của chế độ kinh tế ấy là hình thức tái phân lợi tức, và lại tái phân phối trước tiên cho một thiểu số có chức có quyền. Người dân lầm than thì chỉ còn một ngả là hỳ hục ráp chế hàng xuất cảng để kiếm được chút tiền vụn ở dưới. Khả năng tiêu thụ rất thấp - chỉ có 4,6% - phản ảnh điều ấy. Vì thế ta cần nhìn ra cái chất ảo của đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Lạm phát?
Việt Long: Tuy nhiên, vì sao lãnh đạo xứ này lại e sợ lạm phát đến nỗi phải hạn chế tín dụng. Nếu hạn chế tín dụng thì làm sao còn có tăng trưởng theo lối đẩy xe đạp như ông vừa nói?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây lại là một ảo ảnh khác của kinh tế Trung Quốc.
Sau khi tiến hành cải cách từ ba chục năm trước, Trung Quốc quả là đã bị ba trận lạm phát. Đó là vào năm 1985 với vật giá tăng 10%; rồi vào năm 1988-1989 khi vật giá tăng 20% và gây khủng hoảng chính trị với vụ tàn sát Thiên an môn ngày bốn tháng Sáu năm 1989 khiến mấy ngàn người bị giết; rồi vào năm 1993-1994 với giá cả tăng vọt đến 25%. Rút kinh nghiệm kinh tế và chính trị của quá khứ, lãnh đạo Bắc Kinh rất e sợ lạm phát....
Việt Long: Chúng tôi nhớ lại là từ những năm 2003 rồi 2005, ông thường báo động là kinh tế Trung Quốc có thể bị nóng máy và đã có lúc quyết định cấm cho vay trong nhiều tháng liền mà sau đó, lạm phát vẫn không bùng nổ. Dường như là sau đợt lạm phát 1993-1994, cấu trúc kinh tế xứ này có thay đổi nên có khi bị giảm phát chứ hết bị lạm phát rồi. Điều ấy có đúng không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa điều ấy rất đúng vì cơ cấu kinh tế đã có thay đổi.
Thời Mao Trạch Đông, thành phần doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 90% tổng sản lượng GDP. Qua thời cải cách từ năm 1979 về sau, doanh nghiệp nhà nước được giải phóng trong đầu tư và được các ngân hàng cũng của nhà nước tài trợ tín dụng rất dồi dào để bành trướng thị phần và tuyển dụng thêm công nhân viên, từ 78 triệu lên 100 triệu người.
Nhưng, ách tắc trong cơ chế đã khiến số cung bị hạn chế mà số cầu gia tăng nhờ tín dụng và lương bổng nên mới gây nhiều đợt lạm phát. Nạn tham nhũng trong khu vực nhà nước và vật giá gia tăng trên đầu người dân mới dẫn tới khủng hoảng chính trị. Sau đấy, cơ chế sản xuất có thay đổi và thực tế là có cải thiện mới dẫn tới thời kỳ ta có thể gọi là sản xuất thừa và chất vào kho. Vì vậy, đúng là người ta có chứng kiến hiện tượng giảm phát hơn là lạm phát như ông vừa nói. Giảm phát là khi hàng họ giảm giá mà bán vẫn không chạy chính là vì hiện tượng sản xuất thừa và gây ra ấn tượng tăng trưởng cao.
Việt Long: Thế thì vì sao bây giờ lãnh đạo Bắc Kinh lại sợ lạm phát?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì thật ra xứ này vẫn có những lệch lạc trong cơ chế nên lãnh đạo của họ vẫn sợ lạm phát bùng nổ từ ba khu vực, đó là năng lượng, địa ốc và nhất là lương thực.
Thứ nhất về năng lượng thì Trung Quốc áp dụng chế độ kiểm soát giá cả để dân chúng khỏi bị khốn đốn vì giá xăng dầu hay khí đốt, nhất là trong hai năm 2007 và 2008 khi giá năng lượng và thương phẩm tăng vọt trên thế giới. Nhưng chính là chế độ kiểm soát mới gây ra nhiều lệch lạc trên thị trường, thứ nhất là vì doanh nghiệp về năng lượng không muốn bị lỗ khi nhập vào với giá cao và bán ra với giá quy định của nhà nước; và thứ hai là vì giá năng lượng được trợ cấp nên giới tiêu thụ khỏi cần tần tiện. Tình trạng lệch lạc ấy gây rất nhiều tốn kém kinh tế nhưng là cái giá mà nhà nước phải trả để khỏi gặp động loạn và họ canh chừng giá năng lượng rất kỹ.
Thứ hai, vì đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân nhưng do nhà nước thống nhất quản lý và Trung Quốc là một xứ rất rộng mà lại thiếu đất canh tác, chỉ bằng một phần ba của bình quân của thế giới. Chế độ quản lý của nhà nước dẫn tới nạn bóc lột nông dân và khiếu kiện về đất đai khi ngân sách thuế khóa của các tỉnh lại thu được bình quân là 40% nhờ bán quyền sử dụng đất. Cũng vì mối lợi của đảng viên cán bộ ở địa phương cho nên xứ này cứ hay bị nạn bong bóng đầu cơ về địa ốc. Mặc dù mới đây, Quốc vụ viện tức là Hội đồng Chính phủ vừa rà lại đạo luật về đất đai để tránh nạn cướp đất và không bồi thường thỏa đáng, nhưng bất ổn xã hội vẫn còn nguyên vẹn vì luật lệ sẽ khó được đảng viên cán bộ áp dụng nghiêm chỉnh.
Thứ ba và quan trọng nhất, Trung Quốc là nơi mà người dân thường thiếu ăn vì có diện tích canh tác rất hẹp cho một dân số quá đông nên lương thực là yếu tố thổi bùng chỉ số giá cả. Thiên tai hay dịch bệnh cũng sẵn sàng ảnh hưởng tới sản lượng lương thực mà lương thực lại chiếm tới một phần ba ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình, nên giá mà tăng là dân sẽ khổ và nổi loạn.
Cho nên, nếu có nhìn ra nguy cơ động loạn ấy từ chuyện vật giá và lồng trong khung cảnh của một nền kinh tế không có kích thích là sản xuất đình đọng và thất nghiệp sẽ tăng thì ta mới thấy ra ảo ảnh phồn vinh và phú cường của xứ này.
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.